PHÁP TĂNG HỌC PHÍ GẤP 16 LẦN
Từ năm 2019, Pháp tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm thu hút người học ngoài châu Âu.
Là nơi có nhiều trường đại học lâu đời, danh tiếng, Pháp là điểm đến yêu thích của những sinh viên không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2016, số lượng sinh viên quốc tế (ngoài châu Âu) ở nước này giảm 8,5%.
Thủ tướng Pháp tuyên bố nước này sẽ tăng học phí lên 16 lần với sinh viên quốc tế. Ảnh: Connexion.
Trong nỗ lực nhằm thu hút sinh viên nước ngoài, ngày 19/11, Thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch “Welcome to France” với nhiều biện pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của giáo dục đại học Pháp, bao gồm việc tăng học phí 16 lần đối với sinh viên ngoài châu Âu.
Cụ thể, từ tháng 9/2019, học phí của sinh viên quốc tế là 2.770 euro đối với hệ đại học và 3.770 euro hệ cao học. Đây là mức tăng gây sốc so với học phí hiện tại. Từ lâu, du học Pháp gần như miễn phí với học phí rất thấp (170 euro cho chương trình cử nhân, 243 euro cho chương trình thạc sĩ và tiến sĩ).
Theo chính phủ Pháp, mức học phí quá rẻ khiến người học ở nhiều nước, đặc biệt Trung Quốc, đánh giá thấp chất lượng giáo dục đại học nước này. Vì thế, tăng học phí là một trong những biện pháp được đưa ra nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với Đức, Nga, Canada, Trung Quốc - những nước đang có số lượng sinh viên nước ngoài tăng nhanh. Dù vậy, ông Philippe cho biết mức học phí tăng gấp 16 lần này vẫn khá thấp so với các nước châu Âu.
“Với mức học phí mới, Pháp vẫn phải hỗ trợ khoảng 2/3 chi phí học tập cho sinh viên quốc tế. Học phí du học tại Pháp vẫn thấp hơn mức thu từ 8.000 euro đến 13.000 euro của Hà Lan và hàng chục nghìn bảng của Anh”, Thủ tướng Pháp nói.
Báo Thanh Niên đã phỏng vấn Đại sứ Pháp tại VN Bertrand Lortholary để làm rõ hơn về những thay đổi khi chiến lược Bienvenue en France (Chào mừng đến Pháp) do Thủ tướng Pháp Édouard Philippe công bố sẽ áp dụng từ năm học 2019 - 2020.
Làm thế nào Pháp có thể kỳ vọng thu hút thêm sinh viên nước ngoài bằng cách… tăng học phí, thưa ông?
Chất lượng giáo dục bậc cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư...) của Pháp từ lâu đã được công nhận, thể hiện qua việc chúng tôi là nước thứ 4 trên thế giới về thu hút sinh viên (SV) quốc tế (sau Mỹ, Anh và Úc). Cho đến nay, SV nước ngoài học tại Pháp gần như được miễn phí vì chỉ phải đóng một khoản rất nhỏ, từ 250 - 300 euro/năm (6,6 - 7,9 triệu đồng). Trong khi thực tế, với chất lượng ở Pháp, chi phí đào tạo của mỗi SV từ 10.000 - 15.000 euro/năm (263 - 395 triệu đồng). Hằng năm, chính phủ Pháp chi 3 tỉ euro để hỗ trợ cho 245.000 SV quốc tế, trong đó 1/3 là SV ngoài EEA, bao gồm khoảng 7.000 SV VN.
Hiện nay, chúng tôi muốn Pháp trở nên “hấp dẫn” hơn, để có thể là điểm đến của 500.000 SV quốc tế vào năm 2027 nên đã đưa ra “Chiến lược thu hút sinh viên nước ngoài - Bienvenue en France”. Việc tăng học phí (kèm theo đó là tăng số lượng học bổng) với SV ngoài châu Âu chỉ là một trong 6 điểm chính của chiến lược này.
Riêng về mức học phí của SV ngoài EEA, 2.770 euro (bậc cử nhân) hay 3.770 euro (bậc thạc sĩ, tiến sĩ) cũng chỉ bằng 1/3 so với chi phí thực. Phần còn lại, chính phủ Pháp vẫn tiếp tục hỗ trợ, và đây thật sự là nỗ lực của chúng tôi. Cụ thể, chỉ riêng với 7.000 SV VN, sau khi tăng học phí, khoản bù thêm hằng năm đã là hơn 50 triệu euro. Chính vì vẫn có chính sách hỗ trợ nên học phí giáo dục bậc cao tại Pháp vẫn rẻ hơn so với rất nhiều nước, chẳng hạn tại những quốc gia khác của châu Âu, SV nước ngoài phải trả từ 8.000 - 13.000 euro, tại Mỹ và Úc trung bình từ 20.000 - 30.000 USD…
Đại sứ Pháp tại VN Bertrand Lortholary
Tăng hàng ngàn học bổng và miễn giảm học phí
SV Việt đang và dự định du học Pháp sẽ được hỗ trợ như thế nào khi học phí ngay từ năm học 2019 - 2020 sẽ tăng đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người của VN (ước tính đạt 2.540 USD trong năm 2018)?
Trước hết, vẫn sẽ có một “giai đoạn chuyển tiếp” dành cho SV ngoài EEA đang học tại Pháp. Cụ thể, một SV VN đã đăng ký năm thứ nhất cử nhân trong năm học 2018 - 2019 thì 2 năm còn lại của bậc cử nhân vẫn sẽ được giữ mức phí cũ. Tuy nhiên, những SV bắt đầu một bậc học mới (năm nhất cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ) thì phải đóng theo mức học phí mới. Như vậy, một SV VN hoàn tất năm cuối của cử nhân và năm học 2019 - 2020 đăng ký học năm đầu tiên của thạc sĩ sẽ phải đóng 3.770 euro.
Có thể tóm lược những điểm còn lại: đơn giản hóa thủ tục xin visa; tăng thêm các chương trình có hỗ trợ dạy tiếng Pháp (cho SV nước ngoài) hoặc chương trình dạy bằng tiếng Anh để giúp các bạn hòa nhập và học tập tốt; cấp nhãn hiệu “Bienvenue en France” cho các đại học tổ chức tốt việc đón tiếp SV quốc tế; tăng cường các chương trình đào tạo bậc cao của Pháp ở nước ngoài; quảng bá để SV-HS quốc tế hiểu hơn về du học Pháp.
Một điểm cần nhấn mạnh là Pháp tăng học phí nhưng đồng thời cũng sẽ tăng số lượng học bổng dành cho SV ngoài châu Âu. Từ năm học sau, ngoài 7.000 học bổng vẫn cấp mỗi năm, chúng tôi sẽ có thêm 8.000 suất miễn giảm học phí. Bên cạnh học bổng của chính phủ, các đại học bắt đầu có thêm 6.000 học bổng dành cho những SV giỏi. Những năm qua, Đại sứ quán Pháp và Bộ Ngoại giao Pháp vẫn cấp nhiều học bổng cho SV VN. Năm 2018, 400 sinh viên VN đã được nhận học bổng để du học Pháp với tổng kinh phí gần 2 triệu euro. Với 21.000 học bổng hằng năm dành cho SV quốc tế từ năm học tới, cá nhân tôi sẽ làm hết sức để SV VN được nhận nhiều học bổng nhất có thể. Vì tôi biết rằng các đại học Pháp đánh giá rất cao SV VN và một trong những mục tiêu của chúng tôi là đón nhận ngày càng nhiều SV VN đến Pháp.
"Có thể trở lại Pháp làm việc nếu đã nhận bằng thạc sĩ"
Theo chiến lược mới, các thủ tục hành chính dành cho SV nước ngoài sẽ được tinh giản. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về điểm này?
Hiện nay, phí làm visa dành cho SV chỉ bằng một nửa so với những loại visa khác. Từ năm học sau, việc cấp thị thực du học Pháp sẽ trở nên đơn giản và tiện lợi hơn: hồ sơ của SV sẽ được xếp loại ưu tiên; công cụ trực tuyến France-Visas vừa được áp dụng tại Việt Nam sẽ giúp tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn, nhiều bước sẽ được “số hóa” nên việc đăng ký sẽ nhanh hơn… Từ giữa năm 2019, chuyển từ visa sang giấy cư trú (titre de séjour) cũng sẽ được làm trực tuyến, SV Việt Nam tại Pháp sẽ không cần phải đến Cơ quan Nhập cư và Hội nhập Pháp (OFII) để làm việc này. Giấy cư trú của SV cũng chuyển từ thời hạn 1 năm sang nhiều năm, bằng với cấp bậc theo học. Toàn bộ các đại học Pháp sẽ có quầy hỗ trợ về đăng ký cư trú dành SV viên quốc tế.
Sau cùng, từ tháng 3.2019, mọi SV nước ngoài từng được cấp bằng thạc sĩ (hoặc bằng cấp tương đương) tại Pháp, sau khi về nước có thể được cấp lại thẻ cư trú để quay lại Pháp tìm việc làm.
Đẩy mạnh các chương trình Pháp ở nước ngoài
Một điểm quan trọng trong chiến lược Bienvenue en France là tăng gấp đôi số SV theo học các chương trình, cơ sở giáo dục bậc cao của Pháp ở các nước với hai mục tiêu cụ thể: tăng khả năng đào tạo của các cơ sở Pháp hoặc liên kết đào tạo với Pháp ở nước ngoài; tăng cường sự hỗ trợ để giới trẻ của các nước đối tác có thể theo học chương trình đại học hoặc sau đại học của Pháp mà không cần du học.
Theo Đại sứ Bertrand Lortholary, hiện VN là nước thứ 4 trên thế giới về số lượng SV đang học các chương trình của Pháp tại chỗ (khoảng 3.000 SV) với các ngành đào tạo rất đa dạng. Có thể kể một số chương trình tiêu biểu cho sự hợp tác về giáo dục Việt -Pháp:
- ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, còn gọi là ĐH Việt - Pháp), hiện đào tạo nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn.
- Chương trình kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) tại 4 trường của VN là Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng và Xây dựng Hà Nội, hiện có khoảng 1.400 SV. Chương trình này do Bộ GD-ĐT cấp bằng và được Pháp công nhận.
- Trung tâm Đào tạo Pháp - Việt về quản lý (CFVG), chương trình hợp tác song phương đầu tiên về giáo dục bậc cao, được thành lập vào năm 1992. CFVG đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về quản trị, tài chính và marketing bằng tiếng Anh theo chương trình của các đại học Pháp. Hiện trung tâm này đang được Pháp, Bỉ và EU hỗ trợ để chuyển đổi thành một ĐH Quản lý châu Âu (European Management University), hợp tác với Quỹ Quản lý phát triển châu Âu (EFMD) và nhiều trường hàng đầu của khu vực này.
TIN LIÊN QUAN
Trong suốt lịch sử của mình, tiếng Pháp đã du nhập nhiều từ mới từ các ngôn ngữ. Hôm nay, ta hãy cùng khám phá các từ...
Cùng Phuong Nam Education khám phá tất tần tật về câu Trực tiếp và câu Gián tiếp trong tiếng Pháp.
Hãy bắt đầu tìm hiểu một trong các thức phổ biến trong tiếng Pháp - le Gérondif và những lưu ý xung quanh phương tiện...
Nếu ngữ pháp tiếng Pháp này khiến bạn lo lắng thì sau đây, Phuong Nam Education sẽ hướng dẫn cho bạn cụ thể cách sử...
TIN NỔI BẬT
Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
1900 7060
| Chính sách bảo mật thông tin | Hình thức thanh toán | Quy định chung
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310635296 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp.
Giấy Phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ số 3068/QĐ-GDĐT-TC do Sở Giáo Dục và Đào Tạo TPHCM cấp