Liên hoan phim Cannes (tiếng Pháp: le Festival international du film de Cannes hay đơn giản le Festival de Cannes) là một trong những liên hoan phim có uy tín nhất thế giới, được tổ chức lần đầu từ 20 tháng 9 đến 5 tháng 10, 1946 tại thành phố nghỉ mát Cannes, nằm phía nam Pháp. Từ đó, liên hoan phim được tổ chức hàng năm trong tháng 5 với một số ngoại lệ.
Thu hút số lượng lớn các phương tiện truyền thông tham gia đưa tin, Liên hoan không mở cửa cho công chúng, có sự hiện diện của nhiều ngôi sao điện ảnh và là nơi gặp gỡ ưa thích của các nhà sản xuất phim để trình làng những bộ phim mới nhất và cố gắng bán xuất phẩm của họ cho các nhà phân phối đến từ khắp nơi trên thế giới.
Giải thưởng uy tín nhất được trao ở Cannes là Palme d'Or (giải Cành Cọ Vàng) cho phim Xuất sắc nhất; giải thưởng này thỉnh thoảng cũng được trao đồng thời cho nhiều phim trong một năm. Tuy nhiên ban giám khảo của Liên hoan, gồm một nhóm những chuyên gia điện ảnh quốc tế được chọn lựa, cũng trao tặng những giải thưởng khác, bao gồm "Giải thưởng lớn" (Grand Prix - giải thưởng quan trọng thứ hai).
Liên hoan phim Cannes lần thứ 59 tổ chức vào ngày 18 tháng 5 năm 2006. Đạo diễn Hồng Kông nổi tiếng, Vương Gia Vệ, là Trưởng ban giám khảo về phim truyện. Vương Gia Vệ đã từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes năm 1997 với bộ phim Happy Together.
Ý tưởng
Vào cuối thập niên 1930, bất bình trước sự can thiệp của các chính phủ phát xít Đức và Ý vào việc lựa chọn phim của Liên hoan phim Venezia (Mostra de Venise), Émile Vuillermoz và René Jeanne đã đưa ra đề nghị với Jean Zay, bộ trưởng Bộ truyền thông và nghệ thuật (ministre de l’Instruction publique et des Beaux-Arts) về việc thành lập một liên hoan điện ảnh quốc tế ở Pháp.Ý tưởng này đã được cả Jean Zay và những quốc gia đồng minh của Pháp như Anh và Mỹ ủng hộ.Vượt qua nhiều thành phố ửng cử viên như Vichy, Biarritz hay Alger, thành phố biển phía Nam Cannes đã được chọn làm thành phố đăng cai sự kiện quan trọng này còn Philippe Erlanger được cử làm người phụ trách đầu tiên của liên hoan phim.
Năm 1939, Louis Lumière, một trong hai người khai sinh ra nền điện ảnh, đồng ý trở thành chủ tịch của liên hoan phim Cannes đầu tiên dự kiến tổ chức từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 9 năm 1939. Với ý tưởng "khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh trên mọi hình thức và xây dựng tinh thần cộng tác giữa các nhà điện ảnh đến từ các quốc gia khác nhau" ("encourager le développement de l’art cinématographique sous toutes ses formes et créer entre les pays producteurs de films un esprit de collaboration"), ban tổ chức đã lựa chọn 4 bộ phim của Pháp (gồm L'Enfer des anges của Christian-Jaque, La Charrette fantôme của Julien Duvivier, La Piste du nord của Jacques Feyder và L'Homme du Niger của Jacques de Baroncelli) cùng một số bộ phim nước ngoài (trong đó có The Wizard of Oz của Victor Fleming, Goodbye Mr Chips của Sam Wood và The Four Feathers của Zoltan Korda) dự tranh giải thưởng của liên hoan phim. Việc thiết kế áp phích của liên hoan được giao cho họa sĩ người địa phương Jean-Gabriel Domergue.
Từ tháng 8, các ngôi sao điện ảnh bắt đầu tụ hội ở Cannes. Hãng Metro-Goldwyn-Mayer thuê hẳn một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương để trở các ngôi sao Hollywood như Tyrone Power, Gary Cooper, Annabella, Norma Shearer hay George Raft tới tham dự liên hoan phim. Nhiều sự kiện và lễ hội lớn được dự kiến tổ chức trong thời gian liên hoan phim. Lấy cảm hứng từ bộ phim Quasimodo, các nghệ sĩ Mỹ thậm chí còn định xây dựng một phiên bản của Nhà thờ Đức Bà Paris trên bãi biển Cannes.Tuy nhiên vào đúng ngày khai mạc dự kiến liên hoan phim, ngày 1 tháng 9 năm 1939 lại cũng là ngày các đơn vị lính Đức Quốc xã tấn công Ba Lan mở màn cho Thế chiến thứ hai, hai ngày sau đó Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, ý tưởng về liên hoan phim Cannes bị tạm hoãn vô thời hạn.
Hình thành
Chỉ một năm sau khi chiến tranh kết thúc, liên hoan phim Cannes đầu tiên được chính thức tổ chức từ ngày 20 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 năm 1946 tại tòa nhà cũ của casino Cannes nhờ sự giúp đỡ của Liên đoàn Lao động Pháp (Confédération générale du travail) mà đạo diễn Louis Daquin là một thành viên. Lần tổ chức đầu tiên này của liên hoan phim được Bộ Ngoại giao Pháp và chính quyền thành phố Cannes hỗ trợ về tài chính.Để tránh sự cạnh tranh không cần thiết của hai liên hoan phim hàng đầu châu Âu, chính phủ Pháp và Ý đã thỏa thuận rằng Liên hoan phim Cannes và Liên hoan phim Venezia sẽ được tổ chức xen kẽ theo năm.Tuy nhiên thành công tức thời của Liên hoan phim Cannes 1946 đã thúc đẩy các nhà điện ảnh Pháp, những người không được biết về quyết định của hai chính phủ từ đầu, dự định tổ chức liên hoan phim thứ hai vào ngay năm 1947.
Bất chấp sự từ chối hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ Pháp, Liên hoan phim Cannes 1947 vẫn được tổ chức tại Cung Liên hoan và Hội nghị Cannes (còn gọi là Cung Croisette), tòa nhà được xây mới ngay sau thành công của liên hoan phim Cannes đầu tiên với sự ủng hộ của chính quyền thành phố Cannes.Cung Croisette được khánh thành chính thức ngày 11 tháng 9 năm 1947 và liên hoan phim được tổ chức tại đây từ ngày 12 đến ngày 25 tháng 9. Được xây dựng gấp nhằm phục vụ liên hoan phim, phần mái của cung Croisette thực tế vẫn chưa được hoàn thành và nó đã bị phá hủy sau một cơn giông lớn vào những ngày cuối của liên hoan buộc các nhà tổ chức phải dời lễ bế mạc và trao giải tới sòng bạc thành phố.Tại liên hoan phim thứ hai này, liên đoàn Fédération CGT của giới giải trí bắt đầu đóng vai trò chính trong thành phần ban tổ chức,[14] quy định về việc các thành viên ban giám khảo phải đến từ các quốc gia khác nhau nhằm đảm bảo tính công bằng của quyết định cũng trở thành nguyên tắc của liên hoan phim Cannes.Người được chọn làm chủ tịch Liên hoan phim Cannes 1947 là Robert Favre Le Bret. Ông đã cho thành lập Ủy ban lựa chọn tác phẩm (Commission de sélection) với quy trình đơn giản: Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp (Centre national de la cinématographie) cung cấp cho Ủy ban thời gian và quy định lựa chọn tác phẩm của các liên hoan phim khác nhằm xác định thời hạn chọn tác phẩm của liên hoan phim Cannes, tiếp đó các nhà sản xuất phim sẽ được mời gửi tác phẩm của họ tới liên hoan để từ đó Ủy ban có thể xác định các bộ phim chính thức tham gia liên hoan. Các bộ phim được chọn còn phải tuân thủ các quy định về kiểm duyệt của Pháp vì vậy danh sách phim dự tranh liên hoan sau khi được Ủy ban lựa chọn hoàn thành còn phải đệ trình Bộ Văn hóa Pháp (cơ quan chủ quản của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia) và Bộ Ngoại giao Pháp để thông qua, đây là quy định bắt buộc trong thời gian Chiến tranh lạnh.
Vào thời gian đầu tổ chức, liên hoan phim Cannes gặp rất nhiều khó khăn về tài chính (dẫn đến việc không thể tổ chức vào các năm 1948 và 1950) cùng sự cạnh tranh của các liên hoan phim mới liên tục được thành lập ở châu Âu.Từ năm 1951, thời gian tổ chức của liên hoan phim Cannes được lùi xuống mùa Xuân để tránh sự cạnh tranh với các liên hoan phim lớn khác ở Venezia và Locarno. Bốn năm sau đó, giải Cành cọ vàng (Palme d'or) được thành lập theo ý tưởng của Robert Favre Le Bret để trở thành giải thưởng chính của liên hoan phim, thay thế cho Giải thưởng lớn (Grand prix).Mẫu giải thưởng được làm theo thiết kế của Lucienne Lazon, bộ phim đầu tiên được trao giải thưởng này là Marty của Delbert Mann. Từ năm 1955 cho tới nay giải Cành cọ vàng được trao hàng năm, trừ quãng thời gian từ 1964 đến 1974 khi nó được thay thế bằng giải thưởng cũ Grand prix. Cũng tại Liên hoan phim Cannes 1955, một mối tình hiếm có giữa hoàng tử Rainier của Monaco và ngôi sao điện ảnh Grace Kelly đã bắt đầu.Họ kết hôn chỉ một năm sau và Kelly sinh cho hoàng gia Monaco ba người con trước khi qua đời vì một tai nạn ô tô.
Phát triển
Vào năm 1959, Hội chợ phim Cannes (Marché du film de Cannes) bắt đầu được tổ chức song song với liên hoan phim. Hội chợ phim giúp Liên hoan phim Cannes từ một sự kiện nghệ thuật điện ảnh đơn thuần trở thành một sự kiện lớn của ngành công nghiệp điện ảnh với cả khía cạnh thương mại và trao đổi tác phẩm giữa các nền điện ảnh khác nhau, đây là mô hình hội chợ phim đầu tiên trên thế giới.Tính đến năm 2007, hội chợ đã đón tiếp hơn 10.000 người tham gia đến từ 91 quốc gia khác nhau.Từ năm 1962, một hoạt động mới khác được tổ chức bên cạnh liên hoan phim Cannes, đó là Tuần lễ phê bình phim quốc tế (Semaine Internationale de la Critique) với mục đích tôn vinh những tác phẩm đầu tay của các nhà điện ảnh trên thế giới ("mettre à l’honneur les premières et deuxièmes œuvres des cinéastes du monde entier").Trong tuần lễ này, ngoài bảy phim điện ảnh dài và bảy phim ngắn dự thi chính thức, các nhà tổ chức còn cho giới thiệu nhiều bộ phim không dự thi của các nhà điện ảnh trẻ tại các buổi chiếu riêng. Nhiều nhà điện ảnh trẻ nổi tiếng đã được phát hiện từ các tuần lễ phim này như François Ozon, Alejandro González Iñárritu, Julie Bertuccelli hay Eleonore Faucher.Năm 1965, để tưởng nhớ tới nhà điện ảnh Jean Cocteau, người qua đời ngày 11 tháng 10 năm 1963, liên hoan phim đã quyết định tôn vinh Cocteau là chủ tịch danh dự trọn đời của liên hoan phim Cannes. Một năm sau đó, ban giám khảo liên hoan phim Cannes lần đầu tiên có một chủ tịch là nữ giới, đó là nữ diễn viên người Mỹ Olivia de Havilland.
Sự phát triển nhanh chóng của liên hoan phim Cannes bị gián đoạn vào năm 1968 bởi sự kiện 19 tháng 5 năm 1968. Do các trường đại học bị đóng cửa bởi những cuộc biểu tình, bãi khóa của giới sinh viên, các buổi chiếu chính thức của liên hoan phim thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc tuần hành của sinh viên.Từ ngày 13 tháng 5, sinh viên bắt đầu chiếm giữ Cung Liên hoan và Hội nghị. Ngày 18 tháng 5, nhiều nhà điện ảnh như François Truffaut, Jean-Luc Godard, Claude Lelouch, Richard Berry, Roman Polanski, Louis Malle và Jean-Pierre Léaud cũng tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên lúc đó đang làm rung chuyển cả thành phố Cannes.Bên cạnh mục đích của các cuộc tuần hành sinh viên, những nhà điện ảnh biểu tình còn nhằm chống lại quyết định của bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp André Malraux về việc cách chức giám đốc Viện tư liệu phim Pháp (Cinémathèque française) của Henri Langlois.Để ủng hộ những người biểu tình, nhiều nhà làm phim như Alain Resnais, Carlos Saura và Miloš Forman đã rút phim của họ khỏi cuộc thi chính thức của liên hoan phim. Từ một đại hội điện ảnh, Cannes đã biến thành một sự kiện chính trị. Ngày 19 tháng 5, các nhà tổ chức đưa ra quyết định lần đầu tiên trong lịch sử ngừng tiến hành liên hoan phim Cannes.
Thay đổi lớn
Năm 1969, Pierre-Henri Deleau sáng lập ra Hai tuần của các đạo diễn (Quinzaine des réalisateurs). Hai tuần của các đạo diễn được lập ra nhằm giới thiệu các bộ phim quốc tế của những đạo diễn còn ít tên tuổi[30] và không có cơ hội dự thi chính thức ở Cannes với khẩu hiệu "Điện ảnh tự do" ("Cinéma en liberté"). Trong lần tổ chức đầu tiên, đã có 62 phim dài và 26 phim ngắn được trình chiếu miễn phí cho công chúng. Tác phẩm khai mạc cho sự kiện là bộ phim Cuba La Première charge của đạo diễn Manuel Octavio Gómez, ngay lập tức nó đã được các nhà phân phối phim của Nhật Bản đặt mua.
Năm 1972, cơ cấu lãnh đạo của liên hoan phim có thay đổi lớn khi Robert Favre Le Bret được chỉ định làm chủ tịch liên hoan phim (président) còn Maurice Bessy được chọn làm Tổng đại diện liên hoan phim (délégué général). Ban lãnh đạo mới đã tiến hành thay đổi cách lựa chọn phim tham gia dự thi tại Cannes. Nếu như trước kia các bộ phim quốc tế được các chính phủ gửi tới tham dự thi thì từ năm 1972, ban lãnh đạo liên hoan phim cho thành lập hai hội đồng lựa chọn phim riêng, một cho phim Pháp và một cho phim quốc tế. Sự thay đổi này đã gây ra một số khó khăn cho việc lựa chọn phim tham gia Liên hoan phim Cannes 1972.Tới năm 1978, cơ cấu lãnh đạo liên hoan phim lại một lần nữa thay đổi Gilles Jacob được cử làm giám đốc liên hoan phim, ông đã cho thành lập giải thưởng mới Máy quay vàng (Caméra d'or) để trao cho phim đầu tay xuất sắc nhất được lựa chọn bởi một ban giám khảo riêng. Để trợ giúp cho các bộ phim ít tiếng tăm trong việc phát hành, Gilles Jacob cũng cho thành lập sự kiện Un Certain Regard (Một cách nhìn khác). Dưới sự lãnh đạo của Jacob, thời gian diễn ra liên hoan phim được giảm từ hai tuần xuống còn 13 ngày kéo theo việc giảm số lượng các phim chính thức dự tranh liên hoan phim.Một thay đổi lớn khác của liên hoan phim đó là thành phần ban giám khảo, nếu như trước kia thành viên ban giám khảo chủ yếu là các viện sĩ Viện Hàn lâm Điện ảnh thì từ năm 1978, những người được chọn thường là các nhà điện ảnh quốc tế có tên tuổi. Liên hoan phim Cannes cũng lần đầu được tường thuật liên tục trên truyền hình thông qua đài Antenne 2. Quy mô mở rộng của liên hoan phim Cannes khiến cho Cung Liên hoan và Hội nghị không còn đáp ứng được nhu cầu của công chúng.Năm 1983, Cung Liên hoan được mở rộng nhưng do sự thiếu nhất trí từ những người tổ chức công trình đã không hoàn thành kịp để phục vụ Liên hoan phim Cannes 1983 khiến cho lễ trao giải của liên hoan phim chút nữa phải hủy bỏ Năm 1984 chứng kiến sự thay đổi vị trí chủ tịch liên hoan phim khi Pierre Viot được bầu thay thế Robert Favre Le Bret.
Liên hoan Cannes cũng dần trở thành nơi tôn vinh các nhà điện ảnh huyền thoại. Năm 1985 chỉ ít lâu sau khi đạo diễn nổi tiếng François Truffaut qua đời, tất cả các ngôi sao điện ảnh tham dự Liên hoan phim Cannes 1985 đã hội tụ để tưởng nhớ tới đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Pháp. Vài năm sau đó, tại Liên hoan phim Cannes 1989, các con và cháu của Charlie Chaplin cũng được mời lên sâu khấu vinh danh nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Vua hài. Năm 1995, để vinh danh nữ chủ tịch ban giám khảo liên hoan Jeanne Moreau, nữ ca sĩ Vanessa Paradis đã lên sâu khấu trình bày lại ca khúc Le Tourbillon de la vie của bộ phim Jules et Jim mà Moreau là ngôi sao chính.Năm diễn viên của bộ phim Indigènes là Samy Naceri, Jamel Debbouze, Roschdy Zem, Sami Bouajila và Bernard Blancan khi được đồng trao giải Vai nam chính xuất sắc nhất đã đồng ca bài hát Le Chant des tirailleurs để tưởng nhớ những người lính gốc thuốc địa đã chiến đấu vì nước Pháp trong Thế chiến Thứ hai, đây chính là nội dung của bộ phim Indigènes.
Tại Liên hoan phim Cannes 1998, Gilles Jacob cho thành lập quỹ Cinéfondation nhằm hỗ trợ việc làm phim trên thế giới cũng như giúp các nhà điện ảnh trẻ tạo dựng danh tiếng.Hàng năm Cinéfondation đưa các đạo diễn từ nhiều nước trên thế giới tới làm việc tại Paris, hỗ trợ họ về kịch bản và tài chính cũng như tạo điều kiện cho các nhà điện ảnh này tới xem miễn phí tại nhiều rạp phim của Paris.Từ đầu thập niên 2000, Cinéfondation còn giúp hơn 1000 bộ phim của các nhà làm phim sinh viên được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes. Bắt đầu từ Liên hoan phim Cannes 2005, quỹ Cinéfondation đứng ra tổ chức Atelier (Xưởng phim), nơi các đạo diễn trẻ có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm làm phim từ những nhà điện ảnh danh tiếng.
Từ năm 2002, Liên hoan phim quốc tế (Festival international du film) bắt đầu lấy tên chính thức là Liên hoan Cannes (Festival de Cannes), tên gọi vốn đã được sử dụng rộng rãi từ trước đó.
Hiện tại
Năm 2007 liên hoan phim Cannes kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60, sự kiện này đã gây ra một số thắc mắc vì liên hoan được tổ chức lần đầu năm 1946 và tính cho đến năm 2007 thì mới có 59 liên hoan phim Cannes được tổ chức (liên hoan không được tổ chức vào các năm 1948 và 1950). Nhân dịp này các nhà tổ chức đã cho trình chiếu bộ phim dài kỉ lục của liên hoan, đó là bộ phim tài liệu "The War" về Thế chiến thứ hai của đạo diễn Ken Burns. Với thời lượng 14 tiếng, bộ phim đã phá kỉ lục trước đó là 6 tiếng của phim Nos meilleures années và 4 tiếng 40 phút của Parsifal. Cũng tại liên hoan này, Luc Besson, chủ tịch Liên hoan phim Cannes 2000, đã thành lập sự kiện "Liên hoan phim Cannes và ngoại ô" (Festival Cannes et Banlieues) với khẩu hiệu "Nếu bạn không thể tới Cannes, Cannes sẽ tới với bạn!" (Si tu ne peux pas aller à Cannes, c'est Cannes qui viendra à toi !) nhằm mục đích trình chiếu các bộ phim dự thi chính thức tại những vùng ngoại ô của Paris kèm theo một bộ phim ngắn nói về lịch sử 60 năm của liên hoan Cannes.