Louis XIV - vua mặt trời của nước Pháp
Vua Louis 14 đã là vua của nước Pháp trong 72 năm, đây là vương triều lâu dài nhất trong lịch sử của châu Âu. Nhà vua còn được gọi là “Đại Vương Louis” (Grand Monarch), “Vua Louis Vĩ Đại” (Louis the Great) hay “Vua Mặt Trời” (le Roi-Soleil) khi người ta muốn diễn tả quyền hành chính trị cao nhất của một vương quyền. Dưới triều đại của vua Louis 14, nước Pháp đứng đầu châu Âu và thế giới về văn chương, nghệ thuật, chiến tranh và quản trị xứ sở.
Vua Louis 14 sinh năm 1638 tại St-Germain-en-Laye, đã nối nghiệp cha là vua Louis 13 khi mới lên 4 tuổi, khi đó quyền nhiếp chính thuộc về bà mẹ của nhà vua là hoàng hậu Anne gốc người Áo và hồng y Mazarin, người cha đỡ đầu khi rửa tội, nhận chức thủ tướng.
Vào năm 1648, cuộc Chiến Tranh 30 Năm đã kết thúc nhưng trong nước Pháp vẫn diễn ra từ năm 1649 tới năm 1653 một số cuộc nội chiến được gọi là “les Frondes”. Vào thời gian này, các giới quý tộc và các tỉnh đã tạo nên các liên minh quân sự để chống lại hoàng hậu Anne và hồng y Mazarin. Đã có lần vua Louis 14 bị bắt buộc phải tiếp đón trong cung điện vài đại biểu của những người nổi loạn chống chính quyền, đã chứng kiến người cô là con gái hầu tước Orléans ra lệnh hướng súng đại bác vào đạo quân hoàng gia, nhiều lần nhà vua cùng mẹ phải lén lút trốn ra khỏi lâu đài. Các cuộc nội chiến, với nhiều vùng có cả quân đội Tây Ban Nha giúp đỡ, đã khiến cho nền kinh tế của nước Pháp suy sụp.
>> Xem thêm: Học tiếng Pháp
Marie Mancini |
Vào thời còn trẻ, vua Louis 14 đã là một thanh niên bảnh trai và oai nghiêm, được nhiều người chú ý do hình ảnh cưỡi con ngựa chiến trong các buổi đại lễ, với chiếc mũ gắn lông chim cầm ở tay và cúi chào khán giả một cách duyên dáng. Trước khi lên ngai vàng và kết hôn với công chúa Tây Ban Nha, vua Louis 14 đã có nhiều mối tình như với người đẹp Marie Mancini là cháu gái của hồng y Mazarin. Nhưng mặc dù bản chất vương giả, lãng mạn, vua Louis 14 lại là một con người cứng rắn bởi vì đã học tập đầy đủ nghệ thuật làm vua, các vi phạm quyền lực hoàng gia đã làm cho nhà vua quyết định phải cai trị xứ sở thật sự, không mềm yếu như vua cha, không ỷ lại vào vị thủ tướng trong mọi quyết định.
Khi hồng y Mazarin qua đời vào năm 1661, vua Louis 14 vào tuổi 23, tuyên bố rằng nhà vua cũng là thủ tướng, đã tống giam suốt đời vị bộ trưởng tài chánh nhiều quyền thế là ông Nicolas Fouquet, một người giàu có hơn nhà vua, đã liên kết thông gia với một nửa giới quý tộc và đã có một số hạm đội tư ngoài biển Brittany và chính ông Fouquet muốn thay thế hồng y Mazarin.
Như vậy rõ ràng rằng nền quân chủ của vua Louis 14 khác trước, nhà vua nắm quyền lực một cách tuyệt đối. Kể từ khi trực tiếp điều khiển nước Pháp, tài sản của nhà vua gia tăng. Vua Louis 14 đã không để một ai chống lại mình bởi vì “Ta là Đất Nước” (L’Etat, c’est Moi), nhà vua tượng trưng cho quyền lực tuyệt đối. Vua Louis 14 cũng là một người rất chăm chỉ, thường làm việc 8 giờ một ngày, say mê công việc hơn ham chơi, đúng là một nhà vua chuyên nghiệp. Nhà vua đã từng viết rằng “Công việc làm vua thì vĩ đại, cao thượng và thú vị” (the business of being a king is great, noble and delicious). Nhà vua biết dùng các cố vấn khôn ngoan, trong số này nhân vật chính là bộ trưởng Jean Baptiste Colbert, một nhân vật đã tổ chức lại nền tài chính, làm thăng tiến nền kinh tế và kỹ nghệ của nước Pháp.
Nicolas Fouquet |
Sau khi xây dựng Cung Điện Versailles rất nguy nga trên một vùng đất sình lầy, vua Louis 14 đã dọn triều đình về nơi này vào năm 1682 với ba mục đích, thứ nhất, đây là nơi cư ngụ chính thức của nhà vua, thứ hai là địa điểm của một chính quyền trung ương và thứ ba, là chính trường của các thế lực tranh giành quyền lợi và cầu xin các đặc ân. Tòa lâu đài này đã chứa 5,000 nhà quý tộc, còn 5,000 người khác sinh sống tại các miền chung quanh. Cung Điện Versailles có một chủ đích chính trị khác, đó là khiến cho giới quý tộc hoàn toàn phụ thuộc vào nhà vua. Các vương hầu đã phải dời bỏ các miền đất sở hữu, giao tài sản cho các con hay các người quản lý trông nom còn chính mình phải thường trực sinh sống trong cung điện hoàng gia, phải trả giá rất đắt vì các lễ nghi và giao tế cung đình và Cung Điện Versailles chắc chắn là nơi rất vui vẻ, hấp dẫn nhất. Trong các sinh hoạt vương giả này, chỉ một câu nói của nhà vua như “Ta không thấy mặt ông ta ở triều đình” có thể khiến cho một nhà quý tộc danh giá nhất bị chìm vào bóng tối. Các nhà quý tộc cũng như con cháu của họ đều mong muốn được theo bước chân của nhà vua, được tham dự vào các buổi tiếp tân đặc biệt, bởi vì nhân dịp các nghi thức này, nhà vua có thể ban cho họ các ân huệ hay cho họ hưởng một số đặc quyền. Thế nhưng theo nguyên tắc, các nhà quý tộc không được phép làm các công tác hành chánh, vua Louis 14 ưa thích dùng các nhân viên có nguồn gốc gia đình tầm thường nhưng giàu kinh nghiệm hơn.
Maria Theresa |
Vào năm 1660, vua Louis 14 đã cưới công chúa Maria Theresa của nước Tây Ban Nha nhưng nhà vua vẫn duy trì nhiều người tình khác. Sở dĩ có sự việc này vì bản chất sinh lực của nhà vua, vì quan niệm của thời đại khiến cho các người đẹp dù độc thân hay đã có chồng, cho rằng chiều chuộng theo tính thất thường hay tình dục của nhà vua là một bổn phận. Trong số các tình nhân này có bà Louise de la Vallière qua đời trong khung cảnh được tôn sùng, bà De Montespan là người bị tố cáo đã đầu độc các địch thủ, và người tình quan trọng nhất của nhà vua là bà De Maintenon. Vua Louis 14 đã bí mật kết hôn với bà này khi hoàng hậu Maria Theresa qua đời vào năm 1683. Do ảnh hưởng của bà De Maintenon mà vua Louis 14 đã hủy bỏ Sắc Lệnh Nantes, hành hạ các người Tin Lành Huguenots, bắt họ phải bỏ đạo gốc khiến cho vào khoảng 200 ngàn người dân này đã phải bỏ xứ ra đi, kể cả các thương gia và các thợ thủ công tài giỏi.
Bản chất của vua Louis 14 là một người sành nghệ thuật, nhà vua đã giúp đỡ các văn sĩ, các nghệ sĩ, chính hai nhà viết kịch lừng danh của nước Pháp là Racine và Corneille đã được hưởng nhiều ân sủng của nhà vua. Nhờ sự quan tâm của vua Louis 14 mà văn
De Maintenon |
chương, nghệ thuật của nước Pháp vào thời gian này đã phát triển rực rỡ và các sử gia thường mô tả thời đại này là “Thế Kỷ của Vua Louis 14”. Do vua Louis 14 ưa thích vẻ huy hoàng, tráng lệ và do nhà vua là nhân vật toàn năng, uy quyền tuyệt đối, nên các sinh hoạt trong Cung Điện Versailles dần dần dẫn tới cảnh sa hoa thái quá, đôi khi dẫn tới sự nhạt nhẽo, nhàm chán, hoặc cảnh tù túng và áp chế. Do bị cách ly với công việc điều hành các lãnh địa, các nhà quý tộc trở thành một giai cấp lệ thuộc, ăn bám vào cung đình, và trong sinh hoạt vương giả bề ngoài này, bà De Maintenon đã có lần phải than van với người em rằng bà ta muốn chết, không thể chịu đựng nổi cảnh buồn tẻ.
Trong hai chục năm cuối của triều đại huy hoàng này, các bất hạnh đã tới. Nền kinh tế của nước Pháp suy kém dần, giảm nhanh sau khi ông bộ trưởng tài chính Colbert qua đời vào năm 1682. Trong triều đại này, do mong muốn làm tăng thêm vương quyền và vinh quang quân sự, vua Louis 14 đã làm phát triển một đạo quân chuyên nghiệp gồm 100 ngàn lính vào thời bình và 400 ngàn lính trong thời chiến và đã phát động bốn cuộc chiến tranh chính với chủ đích giành quyền bá chủ tại châu Âu, vào thời gian mà tôn giáo vẫn là một yếu tố quốc tế làm tàn phá châu Âu, ngoài ra còn có các vấn đề quan trọng khác như giòng họ cai trị, nền mậu dịch và sự cân bằng các thế lực. Trong ba cuộc chiến đầu tiên diễn ra từ năm 1667 tới năm 1697, vua Louis 14 muốn chiếm lại các vùng đất trước kia đã từng thuộc quyền cai trị của người Pháp. Vào năm 1681 khi châu Âu còn sống trong hòa bình, nhà vua phái quân đội bất ngờ đánh chiếm thành phố Strasbourg khi đó thuộc về hoàng đế Habsburg của nước Áo. Dần dần các lực lượng của châu Âu quyết định phải kiềm chế bớt quân lực Pháp. Nước Thụy Điển vào thời kỳ này là một thế lực đáng kể, cùng với các ông hoàng Đức, đã chống lại nước Pháp trong khi nước Hòa Lan đang chuẩn bị phục thù. Vào năm 1688, hầu tước William of Orange là một kẻ thù của vua Louis 14, đã lên làm vua nước Anh và tham gia vào các thế lực thù nghịch chống Pháp.
Qua năm 1689 bắt đầu cuộc Chiến Tranh của Liên Minh Augsburg (the War of the League of Augsburg) với các trận chiến diễn ra phần lớn trên miền đất Hòa Lan, liên minh này gồm các nước Anh, Hòa Lan, Áo, Thụy Điển, các miền đất Đức, với mục đích kiềm chế sự bành trướng của nước Pháp. Vua Louis 14 đã cho rằng hầu tước William do đang mắc bận chiến đấu với vua James tại nước Anh nên sẽ không thể bận tâm về các tranh chấp trên lục địa của châu Âu, vì vậy nhà vua vào tháng 9 năm 1688 đã cho quân chiếm đóng miền đất bên trái của giòng sông Rhine, chiếm tỉnh Cologne, đốt tỉnh Heidelberg và tàn phá vùng Palatinate để tạo thành một vùng đệm ngăn cách dân Pháp và dân Đức, hành động tàn bạo của binh lính Pháp đã khiến cho người Đức căm thù người Pháp.
Sau 8 năm chinh chiến, quân Pháp đã đánh thắng các đội quân Hòa Lan, Tây Ban Nha, Savoy, Anh và của nhiều hoàng tử Đức nhưng tới năm 1694, vua Louis 14 gặp nhiều khó khăn do các vụ mất mùa, quân đội Pháp không thể chiến thắng trên các mặt trận, vì vậy một hiệp ước được ký kết tại Ryswick trong xứ Hòa Lan vào năm 1697 và đây là một nền hòa bình kiệt sức. Thất bại lớn lao nhất của nước Pháp là khi hạm đội Pháp đã từng chuyên chở binh lính Pháp qua Ái Nhĩ Lan để giúp đỡ vua James II, đã bị hải quân Anh đánh tan tại La Hougue, đồng thời vua Louis 14 phải trả lại nhiều miền đất khiến cho các tướng lãnh Pháp tức giận dù rằng nước Pháp còn giữ được vùng Strasbourg.
Vào năm 1701, vua Louis 14 vướng mắc vào cuộc Chiến Tranh Kế Nghiệp Vua của xứ Tây Ban Nha (the War of the Spanish Succession). Vua Tây Ban Nha là người anh em đồng hao (cột chèo) với vua Louis 14, sắp qua đời mà không có con trai, người kế nghiệp được chọn lựa là một trong hai người cháu gốc Áo hay gốc Pháp. Vua Louis 14 đã cố công tìm một giải pháp có lợi cho người cháu của mình là Hầu Tước Anjou.
Theo đề nghị của vua William nước Anh, kế nghiệp đế quốc Tây Ban Nha sẽ là hoàng tử Joseph Ferdinand lên 6 tuổi và đề nghị này đã được cả vua Louis 14 và vua Leopold I của nước Áo đồng ý, nhưng không may, vị hoàng tử này chết sớm vào năm 1699, sự kiện này đã làm gia tăng hiểm họa chiến tranh. Trong khi cả hai vua Louis 14 và vua Leopold I tìm cách chia đế quốc Tây Ban Nha Habsburg vào thời kỳ này bao gồm nước Tây Ban Nha và các thuộc địa, xứ Hòa Lan, các xứ Naples, Sicily và vài miền đất Ý khác thì các nhà ngoại giao của vua Louis 14 đã vận động được vua Charles của Tây Ban Nha đang đau bệnh, ký một di chúc dành quyền kế nghiệp cho người cháu là Philip of Anjou. Đề nghị này được đa số người Tây Ban Nha ưa thích bởi vì họ muốn sống dưới quyền lực bảo vệ của vua nước Pháp, trong khi đó vua Louis 14 tìm cách kiểm soát trực tiếp nước Ý.
>> Xem thêm: http://hoctiengphap.com/v223/bai-4.html
Các thế lực Anh, Áo và Đức vì vậy đã coi vua Louis 14 xâm chiếm đế quốc Tây Ban Nha, họ đoàn kết lại để cân bằng lực lượng. Khi cuộc Chiến Tranh Kế Nghiệp Vua Tây Ban Nha bắt đầu thì vua William của nước Anh qua đời vào năm 1702, quyền chỉ huy liên quân Augsburg về tay hai nhà chiến thuật rất tài giỏi là tướng John Churchill người Anh, còn được gọi là Bá Tước Marlborough và hoàng tử Eugene of Savoy, người Áo. Dưới sự chỉ huy của hai viên tướng này, các trận đánh đã diễn ra trên phần đất Đức và xứ Hòa Lan. Tại Blenheim, tướng Marlborough cùng với các đạo quân Anh, Áo và Hòa Lan đã đánh tan quân đội Pháp năm 1704, bao vây thành Vienna. Vào năm 1706, quân Pháp lại thua trận tại Ramillies, bị đẩy lui tại Brussels và Antwerp, rồi sau đó thất bại tại Oudenarde vào năm 1708 và năm sau là cuộc thất trận đẫm máu tại Malplaquet, gần thành Lille. Trong trận đánh này, 80,000 quân Pháp chống 110,000 quân địch và dù cho liên quân được coi là thắng trận nhưng số tổn hại là 24,000 binh lính, gấp hai quân Pháp. Cuộc chiến tranh đã kéo dài tới năm 1713 sau này, với các chiến thắng của tướng Marlborough và hoàng tử Eugene của miền Savoy. Quân đội các nước ngoài đã tiến gần tới kinh đô Paris khiến cho nhà vua Pháp phải cầu hòa. Mùa đông năm 1709 là thời kỳ thiếu ăn, nhà vua và triều đình đã phải ăn bánh mì đen, các đĩa vàng và bạc của nhà vua phải bán đi để trả nợ chi phí chiến tranh, loạn lạc nổi lên trên khắp nước Pháp.
Trong tình thế nguy ngập tại nước Pháp này thì tại nước Anh, Nữ Hoàng Anne không tin tưởng vào chiến thắng của Bá Tước Malborough, đồng thời đảng Torries lên nắm quyền, họ muốn củng cố các tài sản nằm bên ngoài nước Anh kể cả Gibraltar là hòn đảo mới chiếm được của Tây Ban Nha. Vì vậy hai nước Anh và Pháp đã đình chiến trong khi đó vua Leopold I của nước Áo qua đời (1711), nối ngôi là đại công tước Charles, người không muốn duy trì đế quốc Tây Ban Nha – Ao như trước kia. Qua năm 1712, thống chế Villars của nước Pháp đã thắng lớn tại Denain, quân Hòa Lan và quân Áo phải rút lui khỏi đất Pháp. Theo Hòa Ước Utretch năm 1713, Hầu Tước Anjou được công nhận là vua của nước Tây Ban Nha, nước Áo chiếm được xứ Hòa Lan và nước Ý nhưng nước Pháp bị mất hai miền Nice và Savoy, phải phá hủy các pháo đài Dunkirk, rặng núi Pyrenées trở thành bức thành ngăn cách giữa hai nước Tây Ban Nha và Pháp, và nền quân chủ tuyệt đối trước kia vinh quang chiến thắng thì nay bị đánh bại bởi nước Anh theo thể chế Nghị Viện và có hạm đội hùng hậu.
Vào đầu thời gian trị vì của vua Louis 14, giới nông dân tương đối giàu có và hài lòng vì nền kinh tế phát triển thì tới khi nhà vua qua đời vào năm 1715, ngân quỹ của triều đình Pháp bị phá sản, người dân bị đói khổ và chống lại nhà vua do các loại thuế áp đặt. Đối với người dân, một chế độ chuyên chế đồng nghĩa với nhiều cách kiểm soát và theo dõi dân chúng, bao gồm cả các công việc kiểm duyệt sách báo, ngăn cản các nhà tư tưởng tự do và hành hạ các kẻ chống đối.
Vua Louis là một nhân vật khó cho người khác nhận xét. Nhà vua không đặc biệt thông minh, không được giáo dục đặc sắc nhưng đã có một thứ tài năng riêng, biết thưởng thức nghệ thuật cao, biết ăn mặc rất lịch sự và có tài quyến rũ phụ nữ, ưa thích được tán dương và biết cư xử rất khéo léo với mọi người, nam cũng như nữ. Vua Louis 14 đã thiết lập nên “chế độ cũ” (ancient régime) nhờ vậy nước Pháp an hưởng một thời gian dài với trật tự và hòa bình trong xứ nhưng nhà vua chưa tôn trọng nền tự do cá nhân (human liberty), đã đàn áp các người Tin Lành khiến cho hàng ngàn thương gia và thợ thủ công tài giỏi đã phải bỏ xứ ra đi. Nhà vua tuy khuyến khích công nghệ nhưng chưa giúp cho nền thương mại của nước Pháp phát triển.
Nhà triết học kiêm nhà văn lừng danh Voltaire cho rằng Vua Louis 14 có công trong việc khiến cho chính quyền của nước Pháp trật tự và trong sáng, nhờ vậy đã có nhiều thành quả lớn lao sau này, nhưng nếu nhà vua không quá tự kiêu, biết hòa giải và không để cho nước Pháp bị bao vây vì các thế lực thù nghịch bên ngoài và không xây dựng Cung Điện Versailles tốn kém, không theo đuổi các cuộc chiến tranh kéo dài khiến cho ngân quỹ quốc gia trống rỗng, thì nước Pháp còn trật tự hơn, huy hoàng hơn. Dù sao, Vua Louis 14 vẫn được coi là một nhân vật trung tâm chính trị của một thời đại lịch sử rất rực rỡ về văn chương và nghệ thuật.
TIN LIÊN QUAN
Trong bài viết này, Phuong Nam Education sẽ cùng bạn khám phá những sự thật thú vị trong ngày lễ Giáng sinh ở Pháp...
Mới đây, CEO nổi tiếng của Hãng Spotnight, David Bailey đã chia sẻ những bí quyết độc đáo để nhanh chóng 'đọc thông...
Ngoài những cảnh đẹp nổi tiếng, thì nên ẩm thực của Pháp cũng vang danh toàn thế giới. Các bạn đừng bỏ lỡ những món...
Ngoài những cảnh đẹp nổi tiếng, thì nền ẩm thực của Pháp cũng vang danh toàn thế giới. Các bạn đừng bỏ lỡ những món...
TIN NỔI BẬT
Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
1900 7060
| Chính sách bảo mật thông tin | Hình thức thanh toán | Quy định chung
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310635296 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp.
Giấy Phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ số 3068/QĐ-GDĐT-TC do Sở Giáo Dục và Đào Tạo TPHCM cấp